CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI           SỐNG VÀ LÀM VIỆC THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT LÀ THIẾT THỰC HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM !
Kiểm sát viên và những công việc chưa nhiều người biết
Suốt quá trình khám xét, khám nghiệm hiện trường; khởi tố, điều tra, truy tố, rồi quá trình xét xử, đến thi hành án… mọi người luôn thấy sự hiện diện của các kiểm sát viên, nhưng vai trò, công việc của họ ra sao, có lẽ không nhiều người biết.

 emoticon

Kiểm sát viên cùng các lực lượng trên đường vào hiện trường. Ảnh: Xuân Phong

Trụ sở Viện KSND tỉnh với lối kiến trúc đặc thù đã thể hiện phần nào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này. Trong khuôn viên của Viện, không khí khá trầm lắng, hầu như không thấy một tiếng nói to ở đâu đó vọng ra. Trái ngược là tại các phòng, hết sức nhộn nhịp, khẩn trương…

Anh Nguyễn Minh Tiến, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh xếp lại chồng tài liệu trên bàn làm việc rồi đưa cho tôi xem một tập cáo trạng các vụ việc xảy ra thời gian gần đây. Đọc lướt qua vài vụ, tôi thực sự “kinh hoàng” bởi những gì thể hiện trong cáo trạng, nhất là những vụ án hình sự. Tôi “rút đại” một bản cáo trạng để đọc cho kỹ, đó là vụ án Ma Seo Dìn, dân tộc Mông ở thôn Làng Có 2, xã Phong Niên (Bảo Thắng) phạm tội “Giết người”. Vụ việc xảy ra vào ngày 13/4/2014, trong lúc ăn cơm, uống rượu, Ma Seo Páo ép Ma Seo Dìn uống rượu dẫn đến Dìn và Páo đánh nhau, Dìn đã dùng chiếc xà beng đánh vào đầu Páo làm Páo chết ngay tại chỗ…

Kiểm sát viên Trần Xuân Phong, người tham gia giải quyết vụ án này, kể: Khi các lực lượng chức năng đến thì hiện trường không còn nguyên vẹn, bởi trước đó dân làng kéo đến đây rất đông. Mặc dù vậy, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các lực lượng đã thu thập chứng cứ, vật chứng để tìm ra hung thủ. “Khi đến nơi, tôi quan sát tất cả khu vực ấy, nghe kể lại các tình tiết rồi hỏi người dân ở đó để nắm bắt tổng thể. Chúng tôi không trực tiếp điều tra nhưng có trách nhiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật của hoạt động này và để thực hành quyền công tố của Nhà nước, việc chúng tôi nắm bắt thông tin là để yêu cầu cơ quan điều tra thu thập những tài liệu cần thiết; hoặc xem xét hiện trường có những loại dấu hiệu gì thì trao đổi với cơ quan điều tra để làm; đề ra những yêu cầu cho điều tra viên ngay tại hiện trường”.

emoticon  

Tham gia khám nghiệm hiện trường. Ảnh: Xuân Phong

Hoặc như vụ trọng án được phát hiện vào ngày 28/6 vừa qua tại thôn Bản Ngoang, xã Dương Quỳ (Văn Bàn), gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương. Trong khi tìm vào nhà anh La Văn Truyền (26 tuổi), xin nước uống, một số người chăn trâu phát hiện anh Truyền cùng con gái là cháu La Thị Diễm Quỳnh (5 tuổi) đã tử vong với nhiều thương tích. Do tính chất nghiêm trọng của vụ án, hiện trường phức tạp, nên các lực lượng chức năng, trong đó có kiểm sát viên, buộc phải khám nghiệm ngay ban đêm để truy nóng đối tượng và khẩn trương thu thập dấu vết để sớm làm rõ được vụ án.

Cũng như các lực lượng làm nhiệm vụ thực thi pháp luật, các kiểm sát viên luôn luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đến hiện trường bất kể địa hình, địa vật, thời gian, điều kiện thời tiết ra sao. Công việc đó, nam giới đã vất vả, nhưng với những nữ kiểm sát viên, còn khó khăn, vất vả bội phần. Chị Lê Thị Khánh Vân, kiểm sát viên Viện KSND tỉnh bảo: Không ai muốn có bất cứ vụ án nào xảy ra, nhưng nếu có, thì dù đêm khuya, mưa rét, bão bùng, đều phải đi ngay để khai thác hiện trường!

Hơn chục năm qua, chị Vân đã trực tiếp tham gia rất nhiều vụ việc, trong đó có những vụ án giết người hoặc mua bán người, mua bán phụ nữ, trẻ em; có chồng giết vợ... Mỗi vụ việc đều để lại trong chị những tâm tư, tình cảm khác nhau, bởi cùng với nhiệm vụ là người đại diện cho cơ quan kiểm sát tuân theo pháp luật và giữ quyền công tố, chị cũng là một phụ nữ; đời thường cũng là con, là vợ, là mẹ, là bạn bè của ai đó. Đối với những đối tượng phạm tội có tình tiết “chuyên nghiệp”, côn đồ, thì việc pháp luật ra tay trừng trị là lẽ đương nhiên, nhưng cũng có không ít mảnh đời éo le, nhiều người là người dân tộc thiểu số; là những nông dân thường ngày chân chất, hiền lành, chỉ vì một phút không kiềm chế được bản thân, hoặc không am hiểu pháp luật, thậm chí vì hoàn cảnh bức bách mà phạm tội…

Trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng; ai phạm tội, người đó phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. “Bút phê” tham mưu với lãnh đạo Viện về một vụ án, chị Vân và những kiểm sát viên đã phải băn khoăn, trăn trở, phản biện, nhấc lên đặt xuống nhiều lần. Mặc dù người phạm tội phải bị xử lý theo pháp luật, nhưng không ít vụ án, thẳm sâu trong tâm tưởng, chị thấy thương cho họ. Như vụ Khổng Minh Lâm (ở phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai) giết vợ là Trần Thị Hợi mà báo chí đã đưa tin là một ví dụ. Tham gia vụ án này, chị biết Khổng Minh Lâm đã nhiều lần tha thứ cho vợ vì ngoại tình, nhưng do không làm chủ được bản thân, một phần do thiếu ý thức chấp hành pháp luật, lại bị chính người vợ kích động, nên Lâm đã phạm tội. Qua quá trình điều tra, truy tố, đến phiên tòa, sau khi hội đồng xét xử tuyên án theo đúng mức án mà Viện Kiểm sát đề nghị, nhìn 3 đứa con xinh xắn của Khổng Minh Lâm – Trần Thị Hợi lao ra ôm chầm lấy bố khóc nức nở, chị không cầm được nước mắt…

Lại có những vụ án mà kiểm sát viên phải vận dụng những tình tiết để vừa bảo đảm tính nghiêm minh, vừa thể hiện tính nhân đạo của pháp luật, cho những người phạm tội có cơ hội làm lại cuộc đời. Chẳng hạn như vụ án Lý Minh Tuấn, Lý Văn Vạy, Lý Văn Đanh, Trương Văn Pao, Trương Văn Chanh (đều là dân tộc Dao, ở xã Tân Tiến, huyện Bảo Yên) phạm tội "Giết người" là những nông dân vốn hiền lành, ít va chạm xã hội, nhưng do trình độ nhận thức pháp luật hạn chế, đã đánh chết một đối tượng ở địa phương nghiện ma túy, thường xuyên ăn cắp vặt của bà con dân bản.

 emoticon

Quang cảnh một phiên tòa xét xử lưu động. Ảnh: Huy Liệu

Và còn rất nhiều vụ án mua bán người, đa phần bị can còn trẻ, là người dân tộc thiểu số, do bị cuộc sống bị chi phối, muốn có tiền nên lợi dụng phong tục, tập quán của một số dân tộc để bày tỏ yêu đương, sau đó lừa bán “bạn gái” ra nước ngoài. Kiểm sát viên Trần Xuân Phong bảo: Tôi đã làm nhiều vụ án mua bán phụ nữa, trẻ em và thấy đa số đối tượng phạm tội này còn trẻ, nhiều em chưa lấy vợ, lấy chồng; phạm tội lần đầu và thường là bị lôi kéo, mua chuộc.

Đối với án ma túy, hậu quả là vô cùng lớn. Kiểm sát viên Nguyễn Đức Vượng, người gắn bó với ngành kiểm sát từ năm 1979 đến nay, bảo: Trong nhiều vụ án, cả vợ và chồng cùng vướng vào vòng lao lý; nhiều đối tượng phải chịu hình phạt rất cao, kể cả tù chung thân hoặc tử hình. “Điều khiến chúng tôi đau lòng là không ít trường hợp, người phạm tội là người dân tộc thiểu số, chỉ vì hám lợi mà sẵn sàng tham gia vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy. Bố mẹ cùng vào tù, bỏ lại đàn con nheo nhóc, hệ lụy đối với xã hội là vô cùng lớn…”.

Anh Vượng còn dẫn chứng một số vụ án ma túy mà chúng tôi không dám kể ra ở đây, bởi tính chất, mức độ của nó. Tựu chung, dù là án nào, trong đó có án về ma túy, án về an ninh, đều rất phức tạp. Đặc biệt là những vụ án về kinh tế, các cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan kiểm sát, phải chịu sức ép rất lớn từ xã hội mà vụ án Nguyễn Thị Thoa xảy ra ở Sa Pa vừa qua là một ví dụ điển hình, cơ quan điều tra và cơ quan kiểm sát đã phải có những quyết định mang tính đột phá mới “làm” được vụ này…

Trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh vẫn với lối kiến trúc “đặc thù” như công việc của những kiểm sát viên, hàng ngày, hàng giờ bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm minh…./.






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập