CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI           SỐNG VÀ LÀM VIỆC THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT LÀ THIẾT THỰC HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM !
Bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự 2015

 Giao dịch dân sự là một trong những căn cứ quan trọng và phổ biến nhất làm phát sinh quan hệ pháp luật dân sự. Giao dịch dân sự cũng là cơ sở để các bên tự do thỏa thuận, giao kết và xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự với nhau. Tuy nhiên không phải giao dịch dân sự nào trong thực tế cũng có hiệu lực, có những giao dịch dân sự không thực hiện đúng những điều kiện mà pháp luật quy định một giao dịch dân sự phải tuân thủ thì sẽ bị vô hiệu. Bên cạnh đó một tài sản có thể được giao dịch nhiều lần, qua nhiều chủ thể khác nhau. Việc bảo vệ quyền lợi cho các chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự (nhất là đối với người thứ ba ngay tình) trong trường hợp giao dịch dân sự đó bị vô hiệu sẽ được thực hiện như thế nào?

Để hiểu rõ về các quy định để bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi tham gia giao dịch dân sự cũng như hiểu được các điều kiện, hậu quả pháp lý trong trường hợp bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu trước tiên cần phải hiểu rõ khi nào thì giao dịch dân sự có hiệu lực và khi nào thì   giao dịch dân sự bị vô hiệu.

* Giao dịch dân sự có hiệu lực

          Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 quy định

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

          - Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập.

          - Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện

          - Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của    luật, không trái đạo đức xã hội.

          2. Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp luật có quy định.

* Giao dịch dân sự vô hiệu

- Điều 122 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu trừ trường hợp bộ luật này có quy định khác

Do đó tất cả các giao dịch dân sự mà không thực hiện đầy đủ các điều kiện được quy định tại điều 117 BLDS 2015 thì không có hiệu lực, khi xảy ra tranh chấp sẽ bị tuyên vô hiệu, trừ trường hợp bộ luật dân sự 2015 có quy định khác

Tuy nhiên cũng có những giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức vẫn có hiệu lực theo quy định tại điều 129 BLDS 2015.

1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản đó không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhát hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

           Vậy trong các trường hợp giao dịch dân sự bị tuyên vô hiệu thì giao dịch với người thứ ba ngay tình có bị vô hiệu?

          Tại điều 133 BLDS 2015 quy định bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự bị vô hiệu có sự thay đổi, cụ thể:

          1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại điều 167 của Bộ luật này.

          2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu

          Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

          3. Chủ sở hữu tài sản không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại./.

Thu Hương – Phòng 9 Viện KSND tỉnh Lào Cai






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập