CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI           SỐNG VÀ LÀM VIỆC THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT LÀ THIẾT THỰC HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM !
Những điểm mới của Luật Thi hành án hình sự năm 2019

        Nhằm đưa hoạt động thi hành án hình sự đi vào quy củ, thống nhất và pháp điển hóa một số văn bản dưới luật về công tác thi hành án hình sự, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 đã thông qua Luật thi hành án hình sự năm 2010. Tuy nhiên. Sau hơn 8 năm thực hiện, Luật thi hành án hình sự đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế cần phải  được sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, tại kỳ họp thứ 7 ngày 14/6/2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật thi hành án hình sự năm 2019 (viết tắt là Luật THAHS 2019) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020, gồm 16 chương, 207 điều, với nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể như sau:

      1. Về phạm vi điều chỉnh. Mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Luật THAHS 2010 như sau: mở rộng quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tha tù trước thời hạn có điều kiện. Thi hành án hình phạt đối với pháp nhân thương mại.

     2. Về những đối tượng được giam giữ riêng. Theo khoản 2 Điều 27 Luật THAHS 2010 quy định có 6 đối tượng được giam giữ riêng gồm: Phạm nhân nữ; phạm nhân là người chưa thành niên; phạm nhân là người nước ngoài; phạm nhân là người có bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm; phạm nhân có dấu hiệu bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ quyết định của Tòa án; phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy, quy chế trại giam. Luật THAHS năm 2019 quy định ngoài 06 đối tượng được giam giữ riêng trước đó đã bổ sung thêm hai đối tượng được bố trí giam giữ riêng gồm: phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam và phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính có thể được giam giữ riêng tại khoản 2, khoản 3 Điều 30. Đây là một quy định mới có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bảo đảm quyền lợi cho phạm nhân.

       3. Về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân. Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định quyền và nghĩa vụ phạm nhân tại Điều 27. Đây là điểm hoàn toàn mới trong Luật Thi hành án hình sự 2019. Theo đó, phạm nhân có quyền: Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; Được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu; Được bảo đảm hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; Được lao động, học tập, học nghề; Được gặp, liên lạc với thân nhân, tiếp xúc lãnh sự; Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự; Được yêu cầu trả tự do khi có quyết định trả tự do của người có thẩm quyền; Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật; Được hưởng chế độ, chính sách nếu thuộc đối tượng được hưởng: Người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội…

Bên cạnh đó, phạm nhân có nghĩa vụ: Chấp hành quyết định, yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý thi hành án hình sự, thi hành án hình sự; Chấp hành nội quy của trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ…Ngoài những quyền và nghĩa vụ phạm nhân tại khoản 1, khoản 2 điều luật này, khoản 3 còn quy định “3. Phạm nhân có quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này.”

         4. Về tha tù trước thời hạn có điều kiện. Luật đã bổ sung quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện từ Điều 57 đến Điều 72 gồm: thời điểm xét; hồ sơ đề nghị; thi hành quyết định, hồ sơ quản lý; nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; nghĩa vụ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; việc lao động, học tập, rút ngắn thời gian thử thách, thủ tục rút ngắn thời gian thử thách; thực hiện việc kiểm điểm, việc vắng mặt tại nơi cư trú; xử lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm nghĩa vụ hoặc vi phạm pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính; giải quyết trường hợp phạm nhân đã được đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm nội quy trại giam, cơ sở giam giữ hoặc có hành vi vi phạm pháp luật; hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; trách nhiệm của gia đình người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

          5. Về tiếp nhận người chấp nhận án phạt tù. Quy định bổ sung chi tiết tại Điều 28 như sau: Khi tiếp nhận người chấp hành án phạt tù, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm sau đây: Kiểm tra thông tin để xác định đúng người chấp hành án phạt tù theo quyết định thi hành án của Tòa án; Lập biên bản giao nhận người chấp hành án phạt tù; biên bản bàn giao hồ sơ, tài liệu. Phải kiểm tra cơ thể của người chấp hành hình phạt tù để xử lý đồ vật mang theo trước khi đưa vào buồng giam. Trong đó, những đồ vật không được mang vào buồng giam gồm: vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; chất gây mê, chất độc, chất cháy, chất gây cháy, chất phóng xạ, hóa chất, độc dược; các chất ma túy và thuốc tân dược có thành phần gây nghiện; rượu, bia và các chất kích thích khác; các đồ dùng có thể dùng làm hung khí như dây lưng, dây điện, dây đàn, đồ làm bằng sành sứ, đá, thủy tinh, phích nước, đồ vật sắc nhọn …; tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý; các loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, hộ khẩu, bằng cấp, chứng chỉ… các loại thiết bị kỹ thuật, điện tử như máy ghi âm, ghi hình, máy nghe nhìn, điện thoại, bộ đàm; tranh, ảnh, phim, băng đĩa có nội dung mê tín dị đoan, phản động, đồi trụy; các loại bài lá … việc kiểm tra thân thể nam giới do cán bộ nam thực hiện, thân thể nữ giới do cán bộ nữ thực hiện và phải kiểm tra tại nơi kín đáo.

          6. Quy định người bị bệnh nặng phải trưng cầu giám định y khoa. Điều 25 và Điều 37 của Luật đã bổ sung quy định xử lý trường hợp đối với người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù với lý do ốm nặng nhưng có dấu hiệu phục hồi sức khỏe để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, cụ thể: tại khoản 7 Điều 25 và điểm b khoản 5 Điều 37 của Luật quy định: Đối với người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù vì lý do bị bệnh nặng, nếu xét thấy có dấu hiệu phục hồi sức khỏe mà vẫn lấy lý do về sức khỏe để trốn tránh việc chấp hành án người được hoãn thi hành án, tạm đình chỉ chấp hành án có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người được tạm đình chỉ cư trú, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi đơn vị được giao quản lý người đó có trách nhiệm trưng cầu giám định y khoa tại bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện cấp quân khu trở lên hoặc trưng cầu giám định pháp y tâm thần tại tổ chức giám định pháp y tâm thần có thẩm quyền.

          7. Quy định phạm nhân được nhận tiền qua đường bưu điện. Trước đây, theo quy định tại Điều 46 Luật thi hành án hình sự năm 2010 phạm nhân chỉ được nhận quà là tiền khi được gặp trực tiếp thân nhân. Thì hiện nay, theo quy định tại khoản 4 Điều 52 Luật Thi hành án hình sự 2019, phạm nhân được nhận quà là tiền, đồ vật do thân nhân gửi qua đường bưu chính không quá 02 lần trong 01 tháng. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận tiền, đồ vật mà thân nhân của phạm nhân gửi cho phạm nhân và bóc, mở, kiểm tra để phát hiện và xử lý đồ vật thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật. Khoản 3 Điều 52 cũng quy định đối với tiền, phạm nhân phải gửi trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện quản lý. Việc quản lý, sử dụng đồ vật, tiền của phạm nhân được thực hiện theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều 28 của Luật này.

          8. Về thi hành án tử hình. Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình theo hướng quy định cụ thể hơn về thời gian, mối quan hệ, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thành lập Hội đồng thi hành án tử hình; bổ sung về hồ sơ thi hành án tử hình tại Điều 80; ngoài việc nhận tử thi và hài cốt, Luật bổ sung quy định về việc nhận tro cốt của người bị kết án tử hình tại Điều 83,…

          9. Về thi hành án treo, cải tạo không giam giữ. Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thi hành án treo như bổ sung nhiệm vụ của UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo có nhiệm vụ, quyền hạn lập hồ sơ, tổ chức giám sát, giáo dục người được hưởng án treo; bàn giao hồ sơ cho cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền theo quy định tại Điều 86. Bổ sung một số nội dung liên quan đến việc giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ tại Điều 100 của Luật này,…

        10. Về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại. Luật đã bổ sung quy định Chương XI “Thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại” bao gồm  9 điều (từ Điều 158 đến Điều 166) quy định về cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành án; quyết định, thủ tục, hồ sơ thi hành án; quyền, nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án; cưỡng chế thi hành án; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại; chuyển giao nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại tổ chức lại; cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp.

          Với những nội dung mới của Luật THAHS 2019, đã khắc phục được những hạn chế, bất cập trong thực tiễn áp dụng và bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người chấp hành án, đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, thể hiện tính nhân đạo sâu sắc và sự khoan hồng của pháp luật. Trong quá trình áp dụng vào thực tiễn, cần nghiên cứu kĩ lưỡng các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn để đảm bảo tính khách quan, chính xác./.

Ngọc Hiệp – Viện KSND H. Mường Khương

Tin khác





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập