CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI           SỐNG VÀ LÀM VIỆC THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT LÀ THIẾT THỰC HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM !
Một số quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình

Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và 2014 đã đề cao vai trò của gia đình trong đời sống xã hội, giữ gìn phát huy truyền thống và những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân gia đình. Luật hôn nhân và gia đình có nhiệm vụ góp phần xây dựng, hoàn thiện và bảo vệ chế độ hôn nhân gia đình tiến bộ, xây dựng chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của các thành viên trong gia đình, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam nhằm xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc bền vững.

            Hiến pháp năm 1992, Điều 36 hiến pháp 2013 ghi nhận: Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng tôn trọng lẫn nhau. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em.

            Để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, tại Điều 4 luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với Hôn nhân và gia đình:

            1. Nhà nước có chính sách, biện pháp bảo hộ hôn nhân và gia đình, tạo điều kiện để nam, nữ xác lập hôn nhân tự nguyện, tiến  bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc và thực hiện đầy đủ chức năng của mình, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân gia đình, vận động nhân dân xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình, phát huy truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc...

            Điều 5 luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định:

            1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiên theo quy định của luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

            2. Cấm các hành vi sau đây:

            a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

            b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

            c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

            d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời, giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi, giữa người từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

            đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;

            e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;

            g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tình thai nhi, sinh sản vô tính;

            h) Bạo lực gia đình;

            i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

            3. Mọi hành vi vi pham pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

            Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình.

            4. Danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư và các quyền riêng tư khác của các bên được tôn trọng bảo vệ trong quá trình giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình.

            Điều kiện kết hôn điều 8 luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định:

  1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
  1. Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
  2. Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
  3. Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
  4. Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a,b,c và d khoản 2 điều 5 của luật này.
  1. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Điều 9 quy định về đăng ký kết hôn:

            1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của luật này và pháp luật về hộ tịch.

            Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị về mặt pháp lý.

            2. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.

            Điều 10. Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật:

            1...

            2. Cá nhận, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a,c và d khoản 1 điều 8 của luật này.

            a)...

            b) Cơ quan quản lý Nhà nước về gia đình.

            c) Cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em.

            d) Hội liên hiệp phụ nữ.

            3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tài các điểm b,c và d khoản 2 điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.  

            Điều 11 quy định về xử lý việc kết hôn trái pháp luật:

            1. Xử lý việc kết hôn trái pháp luật được Tòa án thực hiện theo quy định tại luật này và pháp luật về tố tụng dân sự.

            2. Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luất mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại điều 8 luật này và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của luật này.

            3. Quyết định của Tòa án về việc hủy kết hôn trái pháp luật hoặc công nhận quan hệ hôn nhân phải được gửi cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên kết hôn trái pháp luật; cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự...

            Ngoài ra theo quy định tại điều 183 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định xử lý đối với hành vi vi phạm Luật hôn nhân và gia đình.

            Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000đ đến 30.000.000đ hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm.

            Thiết nghĩ, để Luật Hôn nhân và gia đình thật sự đi vào đời sống xã hội, không để xảy ra tình trạng tảo hôn hay nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp các ngành, đặc biệt là các tổ chức đoàn thể như Mặt trận tổ quốc, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên….Thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đặc biệt là đối với người dân sống ở vùng sâu vùng xa, nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật nhất là Luật Hôn nhân và gia đình.                                                

                                                                  Trần Thị Minh Phương

                                                        Phòng 9 Viện KSND tỉnh Lào Cai

Tin khác





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập