image banner
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI                                                                   ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!                            
Kiểm sát hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án

 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể của Viện KSND tối cao về hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án. Tuy nhiên, theo điều 58 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) và điều 43 Luật  tố tụng hành chính (LTTHC) quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên, trong đó có quyền kiểm sát Bản án, quyết định của Tòa án. 

Theo đó Quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành theo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án cũng thuộc đối tượng kiểm sát của Viện kiểm sát. 

Tại khoản 4 điều 32 Luật hòa giải, đối thoại quy định: Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được gửi cho các bên và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án ra quyết định.

Tại khoản 3 Điều 36 Luật hòa giải, đối thoại quy định: Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án.

Tại Điều 37 quy định về thủ tục đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

Người đề nghị, Viện kiểm sát kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phải gửi đơn đề nghị, văn bản kiến nghị đến Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án đã ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

 Theo các quy định trên thì sau khi ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành thì Tòa án phải gửi quyết định đó cho Viện kiểm sát trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án ra quyết định và trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thì Viện kiểm sát có quyền gửi văn bản kiến nghị đến Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án đã ra quyết định xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành nếu quyết định đó có vi phạm pháp luật.

 Ngày 16/11/2020 Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC quy định chi tiết về trách nhiệm của TAND trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Thông tư số 03/2020/TT-TANDTC (gọi tắt là TT 02 – 03) quy định chi tiết về trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định hòa giải viên. 

          Tại khoản 2 Thông tư 03/2020 quy định thủ tục nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án, cụ thể:

1. Khi nhận được đơn khởi kiện về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính kèm theo tài liệu, chứng cứ theo quy định tại Điều 190 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 119 của Luật Tố tụng hành chính, Tòa án ghi vào sổ nhận đơn, xác nhận việc nhận đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 191 của Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 1 Điều 121 của Luật Tố tụng hành chính.

2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều này, bộ phận tiếp nhận đơn xem xét đơn và báo cáo để Chánh án xử lý đơn như sau:

a) Phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính nếu vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 4, 5, 6 và 7 Điều 19 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; các điểm a, b, c, đ và g khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự; các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 123, điểm g khoản 1 Điều 143 của Luật Tố tụng hành chính;

b) Thực hiện thủ tục thông báo cho người khởi kiện, người yêu cầu biết về quyền được lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên theo quy định tại Điều 3 của Thông tư này nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này…

          Để thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, HNGĐ, các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, đặc biệt là kiểm sát tốt hoạt động hòa giải, đối thoại theo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Cán bộ, kiểm sát viên cần phải nghiên cứu và nắm chắc nội dung Luật hòa giải, đối thoại cũng như những quy định cụ thể tại TT 02- 03 của TAND tối cao, đồng thời phối hợp tốt với Tòa án để kiểm sát được hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án của Hòa giải viên cũng như kiểm sát được quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành của Tòa án được đảm bảo đúng quy định của pháp luật./.

 

Thu Hương - Phòng 9 VKSND tỉnh Lào Cai

Tin khác





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập