CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI           SỐNG VÀ LÀM VIỆC THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT LÀ THIẾT THỰC HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM !
Quá trình phát triển

Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh số 20 LCT công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa II, kỳ họp thứ nhất thông qua ngày 15/7/1960.

Ngày 01/12/1960, đồng chí Hoàng Quốc Việt – Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao đã ký Quyết định số 01/QĐ thành lập hệ thống Viện kiểm sát nhân dân các địa phương từ đặc khu Vĩnh Linh trở ra trong đó có Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai và 7 Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã thuộc tỉnh Lào Cai gồm: Viện kiểm sát hân dân huyện Bảo Thắng, Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai, Sa Pa và thị xã Lào Cai. Sau gần 4 tháng chuẩn bị, từ tháng 4 năm 1961 bộ máy Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai chính thức đi vào hoạt động với tổng số 24 cán bộ. Trong đó:

- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai có 6 cán bộ do đồng chí Đoàn Văn Chương (tức Việt Hùng) Tỉnh ủy viên, Viện trưởng Viện Công tố làm Viện trưởng, có 3 đồng chí Kiểm sát viên và 2 cán bộ. Về tổ chức, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh hình thành 4 bộ phận gồm: bộ phận Văn phòng, bộ phận hình sự, bộ phận kiểm sát chung và bộ phận dân sự;

- 7 Viện kiểm sát nhân dân huyện, thị do thiếu cán bộ nên chỉ có 18 cán bộ, trong đó có 2 đơn vị Viện kiểm sát nhân dân thị xã Lào Cai và Viện kiểm sát nhân dân huyện Bảo Thắng có 4 cán bộ, các huyện còn lại chỉ bố trí được 2 cán bộ. Về lãnh đạo, mỗi đơn vị chỉ có 1 đồng chí là Viện trưởng.

Những ngày đầu mới thành lập, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, với số lượng cán bộ toàn tỉnh chỉ có 24 người, địa bàn rộng phức tạp. Trong giai đoạn này, Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, giao thông đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế, xã hội còn kém phát triển nhưng những cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai lúc đó đã nỗ lực khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ của toàn Ngành là đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm, bảo đảm pháp chế được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất trên địa bàn tỉnh; đồng thời phục vụ mục tiêu chiến lược của Đảng là củng cố chính quyền nhân dân, chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; chi viện cho chiến trường miền Nam, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Qua quá trình củng cố lực lượng, kiện toàn tổ chức đến năm 1975, ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai đã có 62 cán bộ, với 6 đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát tỉnh và 8 Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa V (họp từ ngày 22 đến 27/12/1975) đã thông qua Nghị quyết hợp nhất một số tỉnh trong đó có các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Nghĩa Lộ (trừ 2 huyện Phù Yên và Bắc Yên thuộc tỉnh Nghĩa Lộ) sáp nhập thành tỉnh mới lấy tên là tỉnh Hoàng Liên Sơn. Ngày 11/02/1976 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 01 thành lập Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hoàng Liên Sơn với 17 Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã. Trong giai đoạn này, ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Hoàng Liên Sơn đưa công tác của mình phục vụ công cuộc kiến thiết đất nước sau chiến tranh và xây dựng lại đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII (họp từ ngày 27/7 đến 12/8/1991) đã thông qua Nghị quyết chia tách một số tỉnh trong đó có tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh: Yên Bái và Lào Cai. Cùng với việc tái lập tỉnh, ngày 22/8/1991 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có Quyết định số 96/QĐ về việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai với tổng số 86 cán bộ; Trong đó, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh được thành lập 5 phòng trực thuộc với 18 cán bộ (16 cán bộ được điều động từ Yên Bái lên, 2 cán bộ được bổ sung từ các Viện kiểm sát huyện, thị về), trụ sở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh được đặt tạm thời tại nhà làm việc của Viện kiểm sát nhân dân thị xã Lào Cai. Có 9 đơn vị Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện là thị xã Lào Cai, các huyện Bảo Thắng, Bát Xát, Bảo Yên, Văn Bàn, Mường Khương, Bắc Hà, Sa Pa, Than Uyên tổng số có 68 cán bộ. Từ ngày 01/10/1991, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai đã cùng với bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền và các tổ chức, Đoàn thể của tỉnh Lào Cai chính thức đi vào hoạt động. Trong giai đoạn này, toàn ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh đã đưa công tác kiểm sát phục vụ công cuộc đổi mới của Đảng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Sau hơn 20 năm kể từ khi tái lập tỉnh năm 1991 đến nay ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai lớn mạnh không ngừng với đội ngũ 209 cán bộ, nhân viên (trong đó có 174 biên chế và 35 nhân viên phục vụ. Về trình độ chuyên môn của cán bộ làm nghiệp vụ, chuyên môn đã được nâng cao về chất lượng và số lượng, có 166/174 cán bộ có trình độ đại học chiếm 95,4%. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp tỉnh đến cấp huyện thường xuyên được kiện toàn bổ sung kịp thời, đầy đủ tạo điều kiện để mỗi cấp, mỗi đơn vị có khả năng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh luôn coi trọng công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban cán sự Đảng, Ủy ban kiểm sát, Lãnh đạo, các tổ chức đoàn thể Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và của các đơn vị trong ngành.

 Qua mỗi thời kỳ, các thế hệ cán bộ từ lãnh đạo đến nhân viên của ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai luôn kế thừa và phát huy cao tinh thần đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao năng lực công tác chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phục vụ có hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương qua các thời kỳ cách mạng xứng đáng với sự tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Tin khác





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập